Xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang được xem là thủ phủ của làng mai nu với cây kiểng chủ lực là “mai chiếu thủy nu”.

Nghề trồng mai nu gắn bó bền bỉ với người dân xã Thạnh Nhựt từ bao đời nay bởi nó vừa truyền tải ý nghĩa nhân văn của “kiểng cổ” (sự giáo huấn của người xưa), vừa tạo thú vui tao nhã, giúp phát triển kinh tế, góp phần tạo nên nhãn hiệu đặc trưng “có một, không hai” cho vùng đất Gò Công.

 

Cây “mai chiếu thủy nu” vốn đã bén rễ ở vùng đất Thạnh Nhựt trên 100 năm nay, nhiều gia đình trở nên khấm khá và gầy dựng nên cơ nghiệp cũng nhờ cây kiểng cổ này.

Nguồn gốc “mai chiếu thủy nu Gò Công”

Nghệ nhân Lê Văn Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Kiểng cổ tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Gò Công Tây, người đã gắn bó với cây mai nu hơn 50 năm cho biết, qua lời kể của những cao niên trong xã, giống mai này có mặt ở vùng Gò Công ít nhất cũng phải trên 100 năm.

Theo đó, trong khu ruộng của ông Bái Tám (vốn là một địa chủ giàu có nhất vùng) thuộc ấp Thạnh Lạc Đông ngày trước có khu mộ dòng họ Lê được tấn đá xanh, bên cạnh là con rạch Mù U, xuất hiện nhiều giống mai hoang dại, rồi do tự lai tạo hay đột biến thành giống mai có nhiều u nần.

Thứ cây cảnh đang hot trên đất Tiền Giang hơn 100 năm, dân một xã trồng thành công, có nhà thu 10 tỷ- Ảnh 2.

Ông Phan Thanh Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Sinh vật cảnh (SVC) xã Thanh Nhựt, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) chia sẻ về nguyên tắc tạo dáng, thế cho cây mai nu (cây mai chiếu thủy nu).

Một số người thấy lạ nên bẻ vài nhánh về trồng thử… Sau khi thấy độc lạ và cho hiệu quả kinh tế cao, giống mai nu này được người dân nhân rộng ra nhiều ấp của xã Thạnh Nhựt.

Theo ông Hạnh, nghề trồng mai nu vừa tạo thú vui, vừa giúp phát triển kinh tế. Nhờ cây mai, nhiều gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học thành tài.

Theo ông Trần Văn Lộc, Phó Chi hội trưởng Chi hội SVC xã Thạnh Nhựt, Chi hội hiện có 92 hội viên, thu hút trên 250 hộ trồng mai nu, với tổng diện tích 26,92 ha; trong đó, có một số hội viên chuyên trồng mai nu để bán giống kết hợp tạo hình thành tác phẩm với diện tích lên đến cả hecta.

Ngoài hội viên, một số hộ dân cũng tận dụng đất vườn trồng xen cây mai nu nguyên liệu, sau đó bán lại cho nghệ nhân để tạo hình thành tác phẩm có giá trị.

Để tạo ra cây kiểng cổ mi ni phải mất ít nhất 05 năm, với kiểng lớn (đường kính gốc từ 10cm trở lên) phải mất trên 10 năm từ lúc trồng cây nguyên liệu đến khi tạo thành tác phẩm hoàn chỉnh. Trường hợp kiểng cổ bị chết đọt có thể chuyển thành bon sai với nhiều dáng, thế.

Nghệ nhân Lê Văn Hạnh chia sẻ, mai chiếu thủy nu (bông chiếu xuống đất) có nhiều u nần giống mặt khỉ nên còn gọi là nu mặt khỉ.

 

Giá trị ở chỗ có nhiều u nần, lâu năm tạo thành dãy nu, da có màu xám đặc trưng (giống mai nu của một số địa phương khác có da màu đen), được dân chơi kiểng sành điệu ưa thích và sẵn sàng trả giá cao đối với những gốc được trồng lâu năm, được tạo hình đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa triết lý.

Với chiếc nôi đầu tiên là xã Thạnh Nhựt, dần dần cây mai nu được mở rộng vùng trồng sang một số xã khác trong huyện, sau đó lan rộng ra các huyện, thị khu vực phía Đông như: Huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông, thị xã Gò Công.

Sự kiện mai nu Gò Công được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Mai chiếu thủy nu Gò Công” vào tháng 12/2021 mở ra nhiều triển vọng cho làng mai nu Gò Công, trong đó có xã Thạnh Nhựt.

Qua đó, giúp các chủ thể trồng, kinh doanh sản phẩm mai nu Gò Công có điều kiện mở rộng giao lưu, mua bán với đối tác ở trong, ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài.

Tính đến nay, huyện Gò Công Tây có 18 cá nhân được Ủy ban nhân dân huyện cấp Giấy chứng nhận (kèm tem chứng nhận) quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mai chiếu thủy nu Gò Công”.

Tạo hình mai chiếu thủy theo triết lý kiểng cổ

 

Trong quyển sổ tay “Kỹ thuật trồng kiểng cổ”, nghệ nhân Lê Văn Hạnh lưu ý, để tạo hình cho mai nu, nghệ nhân phải tuân thủ nguyên tắc: Thân cây sau khi uốn, ngọn chiếu thẳng xuống phải trùng với tâm của gốc nhằm thể hiện triết lý “Lá rụng về cội” (luôn nhớ về cội nguồn dân tộc).

Việc tạo hình cho một cây kiểng nào đó đều mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc, chẳng hạn: Bộ kiểng nu tam cang (quân thần cang, phu thê cang, phụ tử cang), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) hay tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh)…

Trong đó, bộ kiểng cổ được xem đạt chuẩn khi dáng, thế tổng thể của cây phải nằm trọn trong một tam giác cân, thể hiện sự ngay ngắn, vững bền của gia đình; thân, gốc to, ngọn nhỏ (đầu voi, đuôi chuột) ngụ ý trụ cột gia đình vững chắc, gương mẫu…

Đồng thời, người làm ra những bộ kiểng này không chỉ thể hiện sự tu thân, sửa mình, mà còn để răn dạy, nhắc nhở người thưởng thức kiểng phải biết sống theo đạo lý thánh hiền. Bởi theo ông, kiểng cổ là cây cảnh được tạo hình theo giáo huấn của người xưa.

Do đó, kiểng cổ không nhất thiết phải là cây lâu năm, miễn sao việc tạo dáng, thế phải theo phong cách xưa (kiểng cổ theo lối xưa).

 

Theo ông Hạnh, để có những gốc mai nu như ý muốn, người trồng phải mất trên 03 năm để trồng cây nguyên liệu. Khi gốc cây đạt kích cỡ 100 cm thì tiến hành vô chậu, chỉnh sửa, tạo hình hoàn chỉnh trong vòng 05 năm mới giao lưu được.

Khi cây ở giai đoạn nguyên liệu, người trồng định kỳ cắt, uốn cong thân để tạo hình “Siêu phong bán nguyệt” (Gió thổi siêu, sau đó ngóc đầu lên).

Ông Phan Thanh Hiền, Chi hội trưởng Chi hội SVC xã Thanh Nhựt đánh giá, cây mai nu rất dễ trồng, không kén đất, chịu được ẩm độ cao (thậm chí đất ngập nước), không cần bón nhiều phân, có thể trồng xen với cây ăn trái để lấy ngắn nuôi dài, sau đó bán cây nguyên liệu hay chỉnh sửa thành tác phẩm kiểng cổ.

Đa số hội viên của Chi hội đều khá giả nhờ cây mai nu, nhất là hội viên nào có vốn, có điều kiện chăm cây càng lâu thì giá trị càng cao. Thời gian tới, Chi hội tiếp tục vận động hộ dân mở rộng diện tích trồng mai nu bán cây giống (chiết cành), cây nguyên liệu để nâng cao thu nhập.

Ông Trần Văn Lộc cho biết, nhờ cây mai nu, nhiều hộ dân trong xã đã trở thành triệu phú, thậm chí tỷ phú.

Đơn cử như ở ấp Thạnh Lạc Đông có hộ ông Lê Văn Lộc đang sở hữu trên 100 cặp mai nu, trong đó có trên 30 gốc gần 50 năm tuổi; hộ ông Lê Tấn Kiểu có diện tích trồng trên 0,3 ha, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng.

Hay hộ ông Lê Văn Chung Út có năm thu về tiền bán mai trên 10 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2022, một hội viên trong xã cung ứng 300 gốc mai nu cho hộ trồng mai ở xã Long Vĩnh thông qua trung gian đã xuất khẩu lô mai nu đầu tiên sang Indonesia và Thái Lan.

Chi hội SVC xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) đã tham mưu Ủy ban nhân dân xã hoàn tất thủ tục đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang thẩm định và quyết định công nhận “Làng nghề kiểng cổ mai nu Thạnh Nhựt” do đảm bảo các tiêu chí theo quy định.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2012, tôi đã nghiên cứu tạo hình cho cặp kiểng mai nu gồm 08 tàng (mỗi bên 04 tàng), trên cùng là ngôi sao 05 cánh và đặt tên cho mỗi 04 tàng lần lượt là: Cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư.

Về ý nghĩa, sao vàng 5 cánh trên cùng hàm ý Bác là ngôi sao sáng; thân mai thẳng tượng trưng cho Bác là người ngay thẳng, cương trực; kiểu tay (nối thân với tàng) văn, võ thể hiện Bác là người văn, võ song toàn…