Măng sặt là chồi non của cây sặt, mọc nhiều trên núi cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng không phải nơi nào măng cũng ngon như ở Yên Bái.

Trước đây, cây sặt chủ yếu chỉ mọc tự nhiên nên sản lượng măng sặt thu hái không nhiều. Nhưng nay, nhận thấy lợi ích kinh tế từ măng sặt, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ban, ngành, người dân vùng cao huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã dần thay đổi nhận thức.

Bà con chủ động quy hoạch trồng thành vùng, tăng cường chế biến sâu nhằm gia tăng lợi nhuận và đa dạng hóa sản phẩm từ măng.

Hiện nay, toàn huyện Trạm Tấu có gần 150ha trồng cây sặt lấy măng (tăng 26ha so với năm 2023), trong đó diện tích nhiều nhất tập trung ở các xã: Túc Đán, Bản Công, Hát Lừu, Xà Hồ với năng suất đạt 47 tạ/ha, sản lượng đạt 682.000 tấn.

Sáng ra dân một huyện của Yên Bái lên rừng tìm cắt một loại "rau rừng", chưa ra tới chợ đã thành đặc sản- Ảnh 1.

Nhận thấy giá trị kinh tế đem lại, nhiều hộ gia đình ở huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã phát triển, nhân rộng nhiều diện tích măng sặt của gia đình. Ảnh: Hoàng Hữu

Ông Lò Văn Dương – cán bộ khuyến nông xã Xà Hồ cho biết: “Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ măng sặt nên bên cạnh những diện tích đã có từ trước, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã gây giống, phát triển loại cây bản địa này. Bà con cũng thường xuyên được cán bộ ngành nông nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác măng sặt. Đến nay, toàn xã có 13ha diện tích trồng măng sặt, trong đó diện tích trồng mới là trên 7ha. Bà con trong thôn đang mở rộng thêm diện tích trồng ở một số khu vực có điều kiện”.

Gia đình ông ông Giàng A Hảng (thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) trồng cây sặt lấy măng từ năm 2019, đến nay đồi măng sặt của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch.

Ông Hảng cho biết, cây sặt phù hợp với khí hậu vùng cao nên rất dễ trồng, gần như không bị sâu bệnh hại. Măng sặt có thân nhỏ và thẳng, búp măng to hơn đầu ngón tay cái người lớn một chút, được bao phủ bởi một lớp vỏ cứng và dày.

 

Sáng ra dân một huyện của Yên Bái lên rừng tìm cắt một loại "rau rừng", chưa ra tới chợ đã thành đặc sản- Ảnh 2.

Bình quân mỗi hecta cây sặt có thể cho 6-8 tấn măng sặt/ha/năm nếu chăm sóc tốt. Ảnh: Hoàng Hữu

“Măng sặt chỉ rộ lên trong khoảng tháng 3 đến tháng 5 nên giá đầu vụ khá cao, từ 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg nguyên vỏ và giảm dần khi vào chính vụ, giá dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg. Măng sặt đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu khá ổn định. Mỗi năm, gia đình thu gần 80 triệu đồng từ măng sặt mà gần như không phải mất chi phí đầu tư, chăm bón” – ông Hảng chia sẻ.

Thời điểm này đang vào mùa thu hái măng sặt nên không khó bắt gặp hình ảnh bà con đeo gùi lên núi hái măng. Sau khi hái xong, bà con sẽ bó măng sặt thành từng bó nhỏ để bán cho thương lái hoặc mang xuống chợ bán.

 

Sáng ra dân một huyện của Yên Bái lên rừng tìm cắt một loại "rau rừng", chưa ra tới chợ đã thành đặc sản- Ảnh 3.

Huyện Trạm Tấu đang khuyến khích người dân nhân rộng trồng cây sặt trên đất rừng vừa để lấy măng sặt và vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc. Ảnh: Hoàng Hữu

Phần lớn măng sặt sau thu hoạch được sử dụng làm thực phẩm ăn tươi và được người tiêu dùng ưa chuộng vì ăn ngọt giòn, thơm, ngon lại đảm bảo an toàn thực phẩm. Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều món ăn như: Măng sặt luộc, măng sặt nướng, măng sặt om sườn, măng sặt xào tỏi…

Bên cạnh đó, nhằm phục vụ nhu cầu mang về làm quà của du khách, măng sặt còn được bà con còn bóc vỏ, rửa sạch để ráo nước và cho vào túi hút chân không.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Trạm Tấu đã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây sặt lấy măng để măng sặt mọc đều và năng suất cao hơn, như kỹ thuật bón phân và lượng phân bón theo hằng năm, kỹ thuật chăm sóc cây sặt lấy măng theo từng chu kỳ, cách phòng trừ một số loại sâu bệnh…

Sáng ra dân một huyện của Yên Bái lên rừng tìm cắt một loại "rau rừng", chưa ra tới chợ đã thành đặc sản- Ảnh 4.

Vào vụ, du khách có thể gặp những người nông dân đem măng sặt tươi được hái trên rừng xuống bán tại các chợ xã, chợ huyện ở Trạm Tấu. Ảnh: Hoàng Hữu

Ông Đặng Tiến Dũng – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu chia sẻ, cây sặt phân bố rất rộng ở trên núi, thường mọc lẫn với các cây bụi, nếu được chăm sóc hợp lý có thể thành rừng và cho sản lượng cao.

Nhằm nâng cao năng suất thu hoạch măng sặt sau các chu kỳ, cần tăng cường quản lý, chăm sóc khoa học, không để cho gia súc phá hại, không được thu hoạch triệt để… Bình quân mỗi hecta trồng cây sặt có thể cho 6-8 tấn măng sặt/ha/năm nếu chăm sóc tốt.

Sáng ra dân một huyện của Yên Bái lên rừng tìm cắt một loại "rau rừng", chưa ra tới chợ đã thành đặc sản- Ảnh 5.

Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều món ăn khác nhau, được nhiều người ưa thích. Ảnh: Hoàng Hữu.

Hiện nay, huyện Trạm Tấu đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn lâm sản này.

Đồng thời, huyện cũng khuyến khích người dân nhân rộng diện tích trồng sặt lấy măng trên đất rừng, qua đó vừa giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn rửa trôi, sạt lở đất, nâng cao độ che phủ rừng, vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.